Qua công tác tổng kết, đánh giá về thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, cho thấy 10 năm qua công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đã đạt được nhiều kết quả quan trọngnhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân có bước chuyển biến tích cực hơn; công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn; tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm TTATGT thực tại chưa đáp ứng được yêu cầu, và nguyên nhân được xác định là do một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chưa quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đầu tư cho hạ tầng giao thông và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông có mặt còn hạn chế; ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt. Vì vậy, tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; văn hoá tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc bảo đảm TTATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; tai nạn giao thông giảm chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn….
Trước thực trạng trên, Ban Bí thư tiếp tục ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Chỉ thị xác định rõ 4 mục tiêu, yêu cầu trong công tác bảo đảm TTATGT đáp ứng yêu cầu tình hình mới, đồng thời, yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian đến, cụ thể là:
- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông.
- Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban Bí thư cũng giao cho Đảng uỷ Công an Trung ương chủ trì phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan giúp Ban Bí thư hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện; Các cấp uỷ, tổ chức đảng có trách nhiệm quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; rà soát, củng cố, kiện toàn các cơ tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm được giao./.