Hiện nay, số lượng học sinh sử dụng xe đạp điện đến trường ngày càng lớn, các bậc phụ huynh cũng muốn con đỡ vất vả, không mất sức đạp xe và vẫn di chuyển nhanh chóng một cách an toàn, thuận tiện. Xe đạp điện phù hợp cho học sinh, xe đi với tốc độ không quá cao nhưng vẫn mang lại tiện ích và tốc độ nhanh hơn so với xe đạp thông thường. Tuy nhiên, do cấu tạo của xe đạp điện, xe máy điện và ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện còn hạn chế, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông cho chính người điều khiển. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu cả về chất lượng phương tiện và đặc biệt là các quy định của pháp luật khi cho con sử dụng phương tiện xe đạp điện tham gia giao thông.
Thứ nhất, cần phải phân biệt được 03 loại xe mô tô điện, xa máy điện và xe đạp điện.
- Mô tô điện: Là xe điện hai bánh có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50km/h; hoặc công suất động cơ điện lớn hơn 4kW. Người có GPLX hạng A1 mới được phép điều khiển xe mô tô điện.
- Xe máy điện: Vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50km/h; và công suất động cơ điện không lớn hơn 4kW. Người đủ 16 tuổi trở lên mới được phép điều khiển xe máy điện.
- Xe đạp điện: Có bàn đạp, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h, có công suất động cơ điện không lớn hơn 250W và có khối lượng bản thân không lớn hơn 40kg. Thêm vào đó là xe đạp điện thì không cần đăng ký biển số xe, còn xe máy điện và mô tô điện phải đăng ký biển số xe.
Thứ hai, phụ huynh cần hướng dẫn con cách đi xe đạp điện an toàn, cần đảm bảo con em mình đã nắm bắt đầy đủ và có ý thức tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia giao thông:
1. Luôn luôn đội mũ bảo hiểm: Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp điện bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm dành cho người đi xe mô tô, xe gắn máy.
2. Đi xe với vận tốc tối đa 25km một giờ, trong một số trường hợp cần phải giảm tốc độ đến mức an toàn như: khi chuẩn bị chuyển hướng, khi mật độ giao thông đông đúc, tầm nhìn bị khuất, đi qua nơi đường giao nhau, mặt đường ghồ ghề không bằng phẳng, đoạn đường cong... Hạn chế việc tăng tốc đột ngột hoặc phanh gấp.
3. Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước và xe xung quanh.
4. Khi muốn chuyển hướng hoặc dừng xe cần phải quan sát kỹ phía trước, xung quanh, khi đảm bảo an toàn, bắt đầu giảm ga.
5. Khi đi xe đạp điện bạn cần chở đúng tải trọng đã được quy định cho xe. Các dòng xe đạp điện được thiết kế hai yên tương đương với số người ngồi tối đa là 2 người.
6. Một số lưu ý khác nhằm đảm bảo việc tham gia giao thông an toàn, như:
- Nên bật đèn pha khi sử dụng xe đạp trên đường ở các đoạn tối, thiếu ánh sáng.
- Nên giảm ga để giảm tốc độ của xe đồng thời bấm còi để báo hiệu cho xe khác biết khi xe của bạn sắp vào các khúc quanh co khó quan sát.
- Trên đường đi nếu gặp vật cản hoặc chướng ngại vật, không nên bóp phanh quá gấp như vậy vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt là một số dòng xe đạp điện được thiết kế phanh đĩa. Nếu gặp vật cản, nên nhả ga để giảm tốc độ và bóp nhẹ cả 2 phanh để dừng xe. Hãy tỉnh táo quan sát đường đi ở góc rộng nhất, như vậy mọi diễn biến trên đường đều có thể nhìn thấy được từ đó có cách xử lý tình huống chính xác nhất.
- Không được kéo, leo trèo trên xe hoặc để xe khác kéo.
- Không được buông tay lái hoặc cầm đồ vật cồng kềnh.
- Khi lái xe, không được đi dàn hàng hai, bám đuôi hay đánh võng trên đường.
- Nghiêm cấm vượt đèn đỏ, lái xe ngược chiều.
- Chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.