Sau 2 ngày tập trung đánh giá, phân loại và chấm điểm, sáng ngày 7/12, ban tổ chức Cuộc thi Sáng kiến an toàn giao thông đã công bố 20 ý tưởng, tác phẩm nổi bật nhất bước tiếp vào vòng chung khảo bình chọn trực tuyến. Cuộc thi do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.
"Chúng tôi đã rất khó khăn để chọn ra top 20 vào vòng chung khảo bình chọn trực tuyến. Qua những bài thi, chúng tôi càng hiểu rõ những mong mỏi, tâm tư nguyện vọng của người dân về một thành phố thông thoáng hơn, không có khói bụi và kẹt xe, không có những tai nạn đau lòng. Chính người dự thi cũng nhìn thấy và từng trải qua nhiều vấn đề xảy ra hàng ngày trên đường phố khi tham gia giao thông. Ý tưởng của họ đã thể hiện cho tiếng lòng, sự ủng hộ rất lớn cho các cơ quan, để các ngành quyết tâm hơn trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng của xã hội, nhất là an toàn giao thông", đại diện ban tổ chức chia sẻ.
Càng về cuối của vòng Sơ khảo, cuộc thi Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam năm 2022 càng chứng tỏ sức hút khi có nhiều giải pháp mới mẻ và táo bạo nhưng vẫn bám sát thực tiễn.
Theo giám khảo Nguyễn Phi Lê, Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo BKAI, Đại học Bách khoa Hà Nội, 20 ý tưởng và giải pháp công nghệ vào vòng chung khảo bình chọn trực tuyến là những sản phẩm công nghệ mới và ở mức cao, như AI, lập trình, Bigdata,… Các ý tưởng có tư duy sáng tạo rất tốt, gây ấn tượng mạnh bởi sự đột phá từ cách tiếp cận đến khả năng giải quyết vấn đề thực tế, có thể giúp ích cho bài toán giao thông ở Việt Nam.
Điển hình như ở hạng mục giải pháp công nghệ có bài thi về Sáng kiến ứng dụng an toàn giao thông - SAFEgo. Ứng dụng này giúp tổng hợp dữ liệu để phản ánh kịp thời các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông như ùn tắc, tai nạn, vi phạm… theo cơ chế người dân tự giám sát lẫn nhau để phát hiện các hành vi vi phạm. Điểm ấn tượng nhất của giải pháp này là giúp giảm tải công việc của lực lượng cảnh sát giao thông trong phát hiện vi phạm trật tự an toàn giao thông. Theo đó, lực lượng chức năng sẽ có thời gian tập trung chủ yếu vào xác minh hành vi và ra quyết định xử phạt nếu có, một cách nhanh chóng, kịp thời, thông qua ứng dụng an toàn giao thông - SAFEGo.
Đại diện ban giám khảo cho biết, dù là năm đầu tiên tổ chức, nhưng thành phần tham dự của cuộc thi lại rất đa dạng. Bên cạnh các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ ban ngành nhà nước, cuộc thi còn thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, sinh viên ngành công nghệ. Đây là tầng lớp trẻ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội ở nhiều năm tới. Vì vậy, khi góp mặt tại cuộc thi, các bạn đã thể hiện tinh thần sẵn sàng đối mặt và chủ động tìm kiếm giải pháp an toàn giao thông cùng đất nước.
Điều đó cho thấy các vấn đề như tai nạn giao thông, vi phạm nồng độ cồn hay kẹt xe, nạn ùn ứ trên các tuyến đường trọng điểm tại một số thành phố lớn trên cả nước luôn là đề tài nóng hổi được nhiều tầng lớp người dân quan tâm. Do đó, khi có cơ hội được thể hiện ý tưởng, đóng góp một phần tiếng nói vào xây dựng trật tự an ninh xã hội, an toàn giao thông, nhiều người đã không ngại sáng tạo, mang sự hiểu biết của mình cùng chung tay kiến tạo một cộng đồng văn minh hơn.
"Nhiều bài thi có sáng kiến cụ thể vào từng vấn đề. Các ý tưởng này có mô tả đơn giản, đầu tư cũng dễ dàng với chi phí thấp, quy trình thực hiện không phức tạp, nên khả năng nhân rộng và tính hiệu quả cao, rất khả thi với điều kiện thực tế tại nước ta", Trung tá Tạ Thị Hạnh Lê, cán bộ phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết.
Trong đó có thể kể đến ý tưởng "Cải tiến đèn tín hiệu giao thông". Với ý tưởng tách riêng đèn tín hiệu giao thông cho từng loại phương tiện sẽ giúp tách rời xe 2 bánh và ô tô với nhau. Việc áp dụng ý tưởng này sẽ hoàn toàn mới. Khi phát triển, sẽ sử dụng công nghệ AI kết hợp với hệ thống Camera AI giám sát để thực hiện điều khiển hệ thống đèn tín hiệu tự động. Hệ thống sẽ căn cứ vào từng thời điểm lưu thông trên đường như giờ cao điểm và sẽ căn cứ vào mật độ phương tiện lưu thông thực tế để tự động thay đổi thời gian đèn tín hiệu cho các loại phương tiện di chuyển tối ưu nhất. Hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông phải tự điều khiển qua hệ thống tại chỗ ở các ngã tư, vòng xoay mỗi khi ùn tắc đường.
Một số sáng kiến khác vào top 20, được đánh giá có thể giúp ích cho bài toán giao thông ở Việt Nam có thể kể đến như: Hệ thống phát hiện và cảnh báo sớm tài xế ngủ gật khi lái xe ô tô; Hệ thống cảm biến tránh đạp nhầm chân ga giúp hạn chế rủi ro khi lái xe ô tô; Website ứng dụng AI phát hiện phương tiện lấn chiếm lòng đường; Phần mềm Traffic Việt Nam hỗ trợ điều hướng các tuyến đường hợp lý cho người dùng tránh rơi vào điểm ùn tắc.
Ban tổ chức cho biết, 20 tác phẩm vào vòng chung khảo đã được công bố lên trang https://sangkienatgt.dantri.com.vn.
Vòng bình chọn trực tuyến sẽ diễn ra từ ngày 8/12 đến hết ngày 26/12. Trong khoảng thời gian này, độc giả có thể tham gia bình chọn tác phẩm yêu thích theo 2 hạng mục giải thưởng tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn. Mỗi tài khoản có thể bình chọn cho nhiều bài dự thi và chỉ được bình chọn một lần duy nhất. 5 ý tưởng hoặc sáng kiến được bình chọn nhiều nhất của mỗi hạng mục sẽ được cộng điểm vào bảng điểm tổng.
Ban giám khảo sẽ chấm, xếp giải nhất, nhì, ba và 2 giải khuyến khích cho mỗi hạng mục. Giải nhất mỗi hạng mục sẽ là chủ nhân của giải thưởng trị giá 100 triệu đồng; giải nhì là 30 triệu đồng; giải ba 10 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng; cùng giấy chứng nhận đạt giải của ban tổ chức chương trình và giấy khen của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an.
Châu Nga sưu tầm (Nguồn Cổng TTĐT Cục CSGT)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn