Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), từ cuối năm 2022 đến nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện gần 40 trường hợp ô tô sử dụng tem kiểm định, sổ đăng kiểm giả… lưu thông trên các tuyến đường.
Lực lượng CSGT đã chuyển cơ quan điều tra 20 trường hợp, xử lý hành chính 9 trường hợp và 4 vụ việc đã khởi tố.
Khởi tố nhiều đối tượng sử dụng “giấy đăng kiểm giả”
Điển hình như vụ việc tại Quảng Ninh, ngày 25/3, Cơ quan CSĐT huyện Hải Hà đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Quảng (41 tuổi, quê Quảng Ninh) về tội Làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Ông Quảng được xác định là chủ ô tô khách biển số 88B đưa đón công nhân tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà.
Theo điều tra, sáng 21/2, Phòng CSGT Công an Quảng Ninh phát hiện chiếc xe trên lưu thông tại đường nội bộ trong Khu công nghiệp Texhong Hải Hà. Lúc đó, phương tiện này bị nghi sử dụng giấy tờ đăng kiểm giả.
Kiểm tra đối với tài xế, CSGT thu giữ nhiều giấy tờ, trong đó có một chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới mã số KD-7801987. Giấy do Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Móng Cái cấp và có hiệu lực đến hết ngày 16/5.
Ngoài ra, CSGT còn phát hiện xe khách trên sử dụng tem nộp phí sử dụng đường bộ mã số 1980035 có dấu hiệu bất thường. Sau khi lập biên bản, cơ quan chức năng đã bàn giao vụ việc cho Công an sở tại.
Quá trình giám định và xác minh, cơ quan điều tra làm rõ 2 loại giấy tờ chứng nhận nêu trên đều bị làm giả, không có dữ liệu trong hệ thống đăng kiểm. Từ lời khai của tài xế và củng cố hồ sơ, Công an xác định ông Phạm Văn Quảng có hành vi làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Tương tự, vào đầu tháng 3 vừa qua, Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 3 đối tượng gồm: Nguyễn Quốc Hoàng (SN 1979), Bùi Quốc Thành (SN 1982), Nguyễn Quý Hiếu (SN 1983, đều trú tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn), về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Tiếp đó, ngày 02/02 tại Km4 trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (hướng từ Quảng Ngãi đi Đà Nẵng), tổ công tác của Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5, Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT (Đội 5) đã yêu cầu ô tô mang biển số 61F- 001.06 dừng xe, kiểm tra.
Tài xế L.X.Đ xuất trình một sổ đăng kiểm và tem kiểm định có thời hạn đến ngày 27/6/2023. Tuy nhiên, qua tra cứu hệ thống, lực lượng chức năng phát hiện thông tin trên giấy tờ không trùng khớp, nghi bị làm giả. Theo dữ liệu, phương tiện này đăng kiểm lần cuối vào ngày 13/6/2022, hết hạn là ngày 12/12/2022.
Vụ việc đã được bàn giao cho Công an huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi làm giả tài liệu, con dấu của tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 07/02, Công an huyện Sóc Sơn phát hiện 4 ô tô khách lưu thông từ xã Bắc Phú đi xã Tân Hưng (Sóc Sơn), sử dụng tem đăng kiểm và tem nộp phí sử dụng đường bộ giả. Tại cơ quan công an, các đối khai nhận, những ô tô này đã hết niên hạn sử dụng, không đủ điều kiện đăng kiểm. Để đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng, các đối tượng đã mua trên mạng xã hội với giá từ 500.000 - 600.000 đồng/bộ để dán trên xe.
Nhiều hệ lụy từ việc sử dụng “giấy đăng kiểm giả”
Việc mua bán, sử dụng Tem kiểm định, Giấy chứng nhận kiểm định ATKT và BVMT không do cơ quan có thẩm quyền cấp, chứng tỏ đa phần các phương tiện khi đến thời gian đăng kiểm nhưng không đi đến các Trung tâm đăng kiểm để kiểm định lại phương tiện, có rất nhiều lý do như phương tiện đã hoán cải, phương tiện hết niên hạn sử dụng, phương tiện bị các lỗi kỹ thuật khác… dẫn tới không đủ điều kiện để đăng kiểm phương tiện. Do đó, khi một phương tiện khi đến thời gian đăng kiểm mà không mang phương tiện đi kiểm định thì sẽ không để đảm bảo được tính an toàn của phương tiện, khi cố tình sử dụng phương tiện lưu thông trên đường có thể gây ra những sự cố đáng tiếc, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Không còn đủ chất lượng để kiểm định, những chiếc xe này có thể gặp trục trặc kỹ thuật, mất phanh, mất lái,… khiến tài xế không kiểm soát được và hậu quả là những vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, nguyên nhân được chỉ ra là những vướng mắc trong công tác đăng kiểm thời gian qua gây khó khăn cho chủ phương tiện, nhất là chủ xe kinh doanh vận tải. Nhiều tài xế đã lên mạng tìm kiếm và mua các tem giả để dán vào xe để tránh bị CSGT xử lý.
“Nhiều người chủ quan cho rằng đây là hành vi bình thường nhưng chúng tôi khuyến cáo đây là vi phạm rất nghiêm trọng. Tài xế có thể bị khởi tố về hành vi làm giả, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cũng cho biết, trường hợp phương tiện gặp tai nạn giao thông trên đường mà nguyên nhân liên quan tới yếu tố kỹ thuật thì chủ xe cũng bị ảnh hưởng trách nhiệm liên đới.
Đặc biệt, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, với các tài xế xe khách cố tình sử dụng đăng kiểm giả là hành vi coi thường tính mạng của hành khách và người tham gia giao thông khác. Chủ xe và tài xế xe khách sử dụng đăng kiểm giả là hành vi đặc biệt nguy hiểm, coi thường tính mạng của nhiều hành khách đi trên xe. Đây là hành vi cần phải ngăn chặn kịp thời…
Điều 341 – Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017: “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
|
Thế Phong sưu tầm (Nguồn: Cổng TTĐT Cục CSGT)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn