Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh đang triển khai đợt tuyên truyền Đã uống rượu bia - Không lái xe ngay tại các nhà hàng, vũ trường, dịch vụ kinh doanh ăn uống trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh và người dân về việc chấp hành quy định không lái xe khi đã uống rượu bia.
Phối hợp với cơ sở kinh doanh ăn uống
Từ đầu tháng 4/2023, Phòng CSGT, Công an tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền khẩu hiệu Đã uống rượu bia - Không lái xe tại các nhà hàng, vũ trường, dịch vụ kinh doanh ăn uống. Tại đây, chủ các cơ sở kinh doanh được tuyên truyền những quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; hậu quả của việc điều khiển xe tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia và các chế tài xử phạt đối với hành vi này.
Qua đợt tuyên truyền, hàng trăm nhà hàng, quán ăn cam kết chấp hành nghiêm quy định không bán bia rượu cho người chưa đủ tuổi; không để người đã uống nhiều rượu bia tham gia giao thông; hỗ trợ phương tiện đưa khách hàng đã uống rượu bia về nhà…
Ông Lê Phú Thắng, chủ nhà hàng Phú Anh (TP Tuy Hòa), cho biết: Từ khi lực lượng công an ráo riết xử lý người vi phạm nồng độ cồn, lượng khách đến quán giảm đến 60%. Tuy nhiên, xác định việc đảm bảo an toàn giao thông cho người dân là rất cần thiết nên nhà hàng đã chuẩn bị sẵn một số phương tiện để đưa khách đã uống bia rượu về nhà; đồng thời chuẩn bị tài xế lái hộ xe nếu khách có nhu cầu. Chúng tôi cũng hợp đồng với một số hãng taxi để đưa khách về nếu khách ở xa. Các giải pháp này nhằm hạn chế tình trạng khách hàng điều khiển phương tiện về nhà sau khi đã uống rượu bia gây mất an toàn giao thông. Nhờ vậy, lượng khách trở lại nhà hàng đang dần được cải thiện.
Anh Nguyễn Tý, chủ quán Ba Tý (thôn Lương Phước, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa), cho biết: Quán bò của tôi ngay trên quốc lộ 29, nên khách chủ yếu là người lao động chặt mía và các tài xế sau giờ làm việc. Mấy tháng nay, lực lượng CSGT đẩy mạnh tuần tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, nên khách chỉ vào ăn trưa rồi về. Buổi chiều cũng chỉ có vài bàn, nhưng khách không uống nhiều như trước. Doanh thu của quán vì thế cũng bị giảm mạnh. Bây giờ, nếu khách quen ở gần thì quán hỗ trợ người chở khách về nhà; khách ở xa thì gọi taxi. Tuy nhiên, với những khách hàng không phối hợp thì tôi cũng đành chịu.
Thiếu tá Nguyễn Thế Kỳ, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 1, huyện Tây Hòa, cho biết: Đội CSGT số 1 đã tổ chức tuyên truyền, vận động 34 nhà hàng, quán nhậu dọc tuyến quốc lộ 29 ký cam kết nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; dán khẩu hiệu Đã uống rượu bia - Không lái xe tại các nhà hàng, quán ăn. Hoạt động này nhằm tăng cường trách nhiệm cũng như sự phối hợp của các đơn vị kinh doanh trong việc đảm bảo an toàn cho những khách hàng, người dân tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia.
Giảm thói quen la cà
Theo Phòng CSGT, trong 2 tháng cao điểm (từ 15/2-13/4), lực lượng CSGT đã phát hiện 1.540 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; xử phạt với số tiền 5,65 tỉ đồng. Bước đầu đã có nhiều người ý thức hơn trong việc chấp hành quy định không lái xe khi đã uống rượu bia. Một số người có hay la cà uống rượu bia sau giờ làm việc cũng dần từ bỏ thói quen này.
Ông Phan Văn Lệnh ở huyện Sông Hinh cho biết: Trước đây, sau giờ làm việc là bạn bè, chiến hữu lại rủ nhau ra quán làm ít lon; có muốn từ chối cũng khó. Mấy tháng nay, vì CSGT liên tục xử phạt nồng độ cồn nên ai cũng sợ bị phạt, tần suất uống cũng giảm nhiều so với trước đây. Bản thân tôi cũng ít la cà quán xá so với trước.
Chủ trương tăng cường xử lý nồng độ cồn cũng được rất nhiều người dân ủng hộ. Chị Hà Thị Thành ở TP Tuy Hòa bày tỏ: Một lần bị xử phạt 7 triệu đồng vì lái xe trong tình trạng say xỉn, chồng tôi đã giảm hẳn thói quen la cà sau mỗi ngày làm việc. Rất nhiều tai nạn thương tâm, nhiều gia đình tan nát cũng chỉ sau một cuộc nhậu, nên tôi mong muốn lực lượng công an tiếp tục kiểm tra, xử lý để mọi người nâng cao ý thức đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Đại úy Đào Thị Ngọc May, Phó đội trưởng Đội 2, Phòng CSGT, khuyến cáo: Việc lái xe khi đã uống rượu bia sẽ làm giảm khả năng tập trung, khả năng phản xạ cũng như điều khiển phương tiện. Tham gia giao thông khi đã uống rượu bia không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn gây nguy hiểm cho cộng đồng và cho chính bản thân mình. Do vậy, khi đã uống rượu bia thì nên sử dụng các dịch vụ taxi, xe ôm để đảm bảo an toàn giao thông.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan rượu bia. Trong số 100 nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia thì độ tuổi từ 15-29 chiếm gần 60%. Đại úy Đào Thị Ngọc May, Phó đội trưởng Đội 2, Phòng CSGT |
Châu Nga sưu tầm (Theo Nam Khánh, Báo Phú Yên Online)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn