Đảm bảo hạ tầng, trang thiết bị dạy học
Theo Thông tư 04, từ ngày 15/6/2022, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô có trách nhiệm truyền dữ liệu quản lý DAT (dữ liệu thông tin về định danh và quá trình học thực hành lái xe trên đường của học viên) từ máy chủ của cơ sở đào tạo về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và chịu trách nhiệm về dữ liệu DAT. Ngoài các bài SHLX như trước, các thí sinh còn được thực hiện thêm bài SHLX mô phỏng 10 tình huống giả định, chạy liên tiếp tự động. Khi hoàn thành bài sát hạch mô phỏng, toàn bộ câu trả lời được máy tự động chấm điểm, in và lưu tại máy chủ. Sở GT-VT sử dụng dữ liệu quản lý DAT, giấy xác nhận được in trên cabin học lái để duyệt danh sách học viên đủ điều kiện tham dự kỳ sát hạch. Thông tư 04 cũng quy định, các cơ sở đào tạo phải trang bị và sử dụng cabin điện tử để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 1/1/2023.
Nhằm đáp ứng tiêu chuẩn theo Thông tư 04, các cơ sở đào tạo, SHLX phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tương ứng để phục vụ việc dạy học và thực hành theo quy chuẩn. Hiện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Hướng nghiệp tỉnh đang xin chủ trương đầu tư 5 cabin điện tử để đáp ứng nhu cầu đào tạo lái xe theo Thông tư 04 của Bộ GT-VT. Đơn vị đang triển khai các thủ tục thẩm định, đấu thầu mua sắm thiết bị, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong quý II/2023.
Không chỉ đảm bảo về trang thiết bị, toàn bộ quy trình học, thực hành, chấm điểm tại các trung tâm đào tạo, sát hạch đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo nâng cao chất lượng học viên. Ông Lâm Đạo Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật vận tải Phú Yên, cho biết: Trung tâm SHLX GS Cao Nguyên được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, xe tập lái, xe sát hạch, hệ thống camera giám sát, thiết bị theo dõi, hệ thống chấm điểm tự động… nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch cho tất cả học viên. Ngoài ra, mỗi học viên chỉ được coi là hoàn thành thời gian học thực hành lái xe trên đường nếu số giờ học không ít hơn 50% số giờ học và hoàn thành quãng đường thực hành lái xe đạt số kilomet trên đường giao thông theo quy định. Nhờ vậy, việc đào tạo và thi SHLX sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Đầu năm 2023, trung tâm đã đầu tư 5 bộ cabin điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo theo Thông tư 04/2022.
Thuận lợi cho người học
Chị Đậu Thị Quyên ở xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa cho biết: Tôi muốn học lái xe từ lâu nhưng trước đây phải ra ngoài tỉnh thi nên không sắp xếp được thời gian. Hiện Phú Yên đã có trung tâm SHLX ô tô nên rất thuận lợi. Trung tâm đào tạo và SHLX được đầu tư trang thiết bị, phương tiện dạy lái hoàn toàn mới, đầy đủ, thầy hướng dẫn cũng rất nhiệt tình. Nhờ nghiêm túc tập nên tôi đã thi đậu ngay trong lần thi đầu tiên.
Theo Sở GT-VT, thời gian tới, ngành chức năng sẽ tiếp tục siết chặt quản lý hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi giáo viên dạy lái và các học viên tham gia học tập, đảm bảo những học viên sau khi có giấy phép lái xe đều có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ông Nguyễn Đức ở phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa chia sẻ: Bản thân tôi thấy chủ trương siết chặt quản lý đối với công tác đào tạo, SHLX là rất cần thiết. Vì chỉ khi học thật, thi thật thì khi lái xe trên đường mới đảm bảo an toàn cho mình và người khác.
Ông Nguyễn Tấn Chân, Phó Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: Trong 2 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã tổ chức sát hạch 2 khóa ô tô, 8 khóa mô tô, với 2.990 học viên, thi đạt 2.029 học viên. Thời gian tới, Sở GT-VT sẽ tiếp tục siết chặt quản lý quy trình đào tạo, SHLX nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân khi tham gia giao thông.
Sở GT-VT sẽ tiếp tục siết chặt quản lý đào tạo, SHLX, công khai, minh bạch, đảm bảo học thật, thi thật và không có tình trạng tiêu cực trong việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Ông Nguyễn Tấn Chân, Phó Giám đốc Sở GT-VT |
Thế Phong sưu tầm (Tác giả: NGÔ XUÂN, nguồn Báo Phú Yên Online)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn