UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải bảo đảm phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2030, định hướng các năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Phú Yên theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn giao thông.
Kế hoạch xác định rõ, định hướng đến năm 2030, tỉnh Phú Yên tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ để giảm thiểu chi phí vận tải thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp; đồng thời phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, anh ninh phù hợp với các Đề án, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải. Xác định số lượng phương tiện kinh doanh vận tải bảo đảm phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường.
Để đảm bảo thị trường vận tải phát triển đúng định hướng đã đề ra, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ trì, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan đến xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải để kiến nghị các cấp thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật. Căn cứ vào danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, thực hiện thông báo trên Trang TTĐT danh mục chi tiết từng tuyến. Đồng thời, chịu trách nhiệm, chủ động giải quyết tăng, giảm số lượng doanh nghiệp, số lượng phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của Nhân dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh có trách nhiệm tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các phương tiện tham gia giao thông vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông; chú trọng các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không được cấp phù hiệu để quản lý. Phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải xác định vị trí lắp đặt camera giám sát tại các nút giao thông trên tuyến đường bộ để kiểm soát hoạt động và xử lý vi phạm đối với các phương tiện tham gia giao thông tăng cưởng bảo đảm an ninh, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để triển khai xác định, xây dựng và quản lý các vị trí đón, trả khách cho xe taxi; vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng, xe du lịch, xe buýt công cộng và xe 4 bánh sử dụng động cơ điện trên địa bàn.
Theo Kế hoạch, phấn đấu đến năm 2030: Hồi phục và phát triển số lượng phương tiện tuyến cố định từ 93 xe (năm 2023) lên 170 xe (năm 2030); phát triển số lượng phương tiện xe buýt vận tải hành khách công cộng từ 21 xe (năm 2023) lên 60 xe (năm 2030); phát triển số lượng phương tiện xe taxi công cộng từ 519 xe (năm 2023) lên 750 xe (năm 2030); tổng số phương tiện hoạt động du lịch đạt 800 xe; phát triển đa dạng các loại hình và phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa kết nối vùng miền, chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử nhằm phát triển dịch vụ logistis.
Thanh Thúy