Khéo léo vận động, linh hoạt cách làm
Vượt qua con đường dốc ngoằn ngoèo, chúng tôi cùng bà Nguyễn Thị Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu đến căn nhà nằm giữa đồi của gia đình bà Nguyễn Thị Gái, một hộ dân bị thu hồi đất ở để làm đường cao tốc. Xuyên suốt quá trình vận động giải phóng mặt bằng (GPMB), bà Bình được ví như người “chai mặt” khi ngày ngày đến nhà dân để động viên, thuyết phục. Ngày đến, đêm cũng đến, có những nhà, bà Bình đến cả chục lần để thương thuyết.
“Trên địa bàn xã có 6 nhà dân bị ảnh hưởng, trong đó 4 trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, 2 hộ có đất tái định cư. Tuy số hộ ảnh hưởng ít, nhưng diện tích thu hồi lớn, chủ yếu là đất canh tác trên đồi cao. Chúng tôi phải đến từng nhà vận động, giải thích một cách có lý, có tình. Khi người dân đồng ý tháo dỡ chuồng trại, nhà cửa, cải tạo mặt bằng sạch để xây nhà tại các khu tái định cư…, tôi vận động đơn vị thi công, các hội đoàn thể trong xã sẵn sàng giúp đỡ phần nhân công, máy móc”, bà Bình chia sẻ.
Trải qua nhiều nhiệm kỳ liên tiếp làm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Phú Nông (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa), ông Cao Văn Khoa gần như thuộc lòng hoàn cảnh của các gia đình trong thôn. Ông Khoa cho biết: Hoàn cảnh mỗi người khác nhau, không thể áp dụng rập khuôn, máy móc mà phải khéo léo trong vận động, linh hoạt trong cách làm. Khi tiếp nhận nhiệm vụ, tôi đã tổ chức cuộc họp cấp ủy nhằm xây dựng nghị quyết của chi bộ và triển khai tới các hội đoàn thể để vận động. Những buổi vận động gần như diễn ra bất kể giờ giấc, có thể là vận động trực tiếp, nhờ người quen, tác động từ họ hàng…
Là một đảng viên, cựu chiến binh từ chiến trường K trở về, ông Lê Lộc ở xã Hòa Bình 1 có phần đất bị ảnh hưởng bởi dự án. Bằng khí khái hào sảng của người lính Bộ độ Cụ Hồ, ông Lộc quả quyết: Mình đã không ngại tính mạng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước thì bây giờ không lẽ vì ảnh hưởng đất mà lại gây khó khăn cho cả một dự án. Nhiều người trong xóm xì xào, nói tôi sao lại đồng ý khi chưa có phương án đền bù nhà cửa, nhưng tôi nói với họ: Bác Hồ dạy chúng ta nên biết hy sinh cái riêng để phục vụ cho lợi ích chung. Tôi tin tưởng vào các quy định, chính sách đền bù, hỗ trợ cho người dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Người dân nhường đất phải được tái định cư với điều kiện bằng hoặc tốt hơn trước”.
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu (bìa phải) đến động viên gia đình bà Nguyễn Thị Gái, một hộ dân bị thu hồi đất ở để thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: NGÔ XUÂN |
Công trình đến đâu, giao đất đến đó
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Tâm, 62 tuổi, ở thôn Bình Nông (xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu) khi ông cùng gia đình dỡ chuồng trại nuôi bò, thu gom các vật dụng còn có thể sử dụng từ ngôi nhà mà ông đã tự nguyện dỡ bỏ trước đó, nhường đất thi công đường cao tốc. Vợ chồng ông cũng tự tay phát dọn hết những buồng chuối non và vườn rau để các đơn vị đưa máy móc, thiết bị vào san gạt, thi công công trình.
Năm 1978, khi là một thanh niên, ông Tâm đã lên hóc núi Bà Bếp phát rẫy lập nghiệp, rồi xây dựng gia đình. Từ đôi bàn tay trắng, ông gầy dựng nên cơ ngơi với gần 2ha đất rừng sản xuất cùng với chuồng trại chăn nuôi heo, bò, gà và trồng chuối… giúp kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Khi có thông tin dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua toàn bộ phần đất của mình, ông Tâm tự nguyện dỡ bỏ toàn bộ nhà ở, chuồng trại và giao đất cho Nhà nước. Với phần đất bị thu hồi, gia đình ông được đền bù trên 3,5 tỉ đồng và được giao 1 lô đất tái định cư, 1 lô đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Đất tái định cư nằm trên mặt đường lớn, đang được san gạt mặt bằng để gia đình ông chuẩn bị xây dựng nhà mới.
Ông Nguyễn Văn Tâm chia sẻ: Khi biết đất trúng dự án, tôi rất sốc, phải mất hơn 1 tháng mới bình tâm trở lại. Sau khi đả thông tư tưởng, tôi tự nguyện giao đất từ khi Nhà nước chưa công bố giá và chính sách đền bù cụ thể. Mỗi ngày, nhìn phần đất của mình đang dần nên hình hài của một điểm đấu nối tuyến đường cao tốc và đường tỉnh, tôi rất ấm lòng. Mong là công trình này sẽ mang đến nhiều lợi ích cho địa phương, đất nước.
Cách nhà ông Tâm khoảng 300m, gia đình ông Bùi Đạt cũng đang tháo dỡ chuồng trại, di chuyển đàn bò đi nơi khác để nhường đất làm tuyến cao tốc. Gia đình ông Đạt có hơn 1.200m2 đất, gồm nhà ở, chuồng trại và vườn cây bị thu hồi đất. Toàn bộ diện tích này được hỗ trợ bồi thường hơn 400 triệu đồng. Ông được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, phần còn lại để vợ chồng ông xây dựng nhà ở mới.
Ông Đạt nói: Chính quyền thu hồi đất để làm đường cho dân nên tôi luôn xác định Nhà nước cần đất lúc nào, tôi sẵn sàng giao đất lúc đó. Phần diện tích đất còn lại không trúng đường, vợ chồng tôi duy trì sản xuất, chăn nuôi bò; chấp nhận cuộc sống một chốn hai nơi. “Cái được lớn nhất là khi gia đình tới nơi ở mới sẽ thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt của con cháu”, ông Đạt cho hay.
Tại huyện Tuy An, mặc dù khá lo lắng khi phải giao đất để chuyển đến nơi ở mới, nhưng nhiều người dân vẫn chấp hành chủ trương nhường đất làm đường. Bà Nguyễn Thị Hiệp ở thôn Tuy Dương, xã An Hiệp có hơn 5.000m2 đất nằm trong khu vực triển khai dự án. Bà Hiệp chia sẻ: Vợ chồng tôi là nông dân, ở tuổi xế chiều được đóng góp chút công sức cho tỉnh, cho đất nước, tôi rất vui, rất tự hào. Chỉ mong đường cao tốc sớm làm xong, mang lại nhiều lợi ích cho địa phương là tôi vui rồi.
Đây là một công trình lớn, rất quan trọng của quốc gia, nếu ai cũng khư khư giữ tài sản riêng mình thì làm sao đất nước phát triển được! Mỗi ngày, nhìn phần đất của mình đang dần nên hình hài của một điểm đấu nối tuyến đường cao tốc và đường tỉnh, tôi rất ấm lòng. Mong là công trình này sẽ mang đến nhiều lợi ích cho địa phương, đất nước. Ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu |
Kỳ cuối: Nhiều điểm nghẽn dần tháo gỡ
Thế Phong sưu tầm (Tác giả: Ngô Xuân - Hồ Như - Vũ Hoàng, Báo Phú Yên Online)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn