Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong tháng 8, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp như xung đột Nga - Ukraine; áp lực lạm phát cao; thị trường xuất khẩu thu hẹp... 8 tháng qua, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức trên 600 cuộc làm việc, trong đó nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cần tới 3 cuộc họp để giải quyết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 NHẬT BẮC |
Đáng chú ý, theo Thủ tướng, có 12 kết quả nổi bật trong 8 tháng qua, như kiểm soát tốt dịch bệnh; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; 5 cân đối lớn được bảo đảm tốt; nền kinh tế tiếp tục phục hồi; vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng; phát triển doanh nghiệp (DN) đạt kết quả tích cực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh.
Sau các hội nghị lớn của Chính phủ, các loại hình thị trường từng bước phục hồi, được kiểm soát; những vấn đề cấp bách được xử lý kịp thời, hiệu quả như xăng dầu, tỷ giá, giá cả các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất...
Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tăng trưởng GDP của VN. Chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei xếp VN đứng thứ 2 trên thế giới. Mới nhất, Moody's ngày 6.9 đã nâng hạng tín nhiệm của VN.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo. "Dầu, khí, than đều phải đi mua và giá càng cao, như than khai thác càng sâu thì càng đắt, trong khi VN nhiều nắng và gió, không phải mua, nhập, cũng không ai lấy đi được, công nghệ năng lượng gió và mặt trời càng ngày càng phát triển với giá rẻ hơn. VN có điều kiện để chuyển đổi năng lượng phù hợp xu thế toàn cầu, phát triển ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng, sản xuất các trang thiết bị năng lượng tái tạo", Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc thu hồi giấy phép 1 tháng với 5 đầu mối nhập khẩu xăng dầu (Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty CP Dầu khí Đông Phương), tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 6.9, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết tạm thời sẽ chưa thu hồi.
“Lý do Bộ Công thương đã cân nhắc về khó khăn của các DN sau dịch, nhất là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng của 100 triệu dân. Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương đã họp, thống nhất trước mắt xử phạt hành chính bằng phạt tiền với các DN này. Còn hình thức phạt bổ sung là tạm thời tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với 5 DN sẽ được áp dụng trong thời điểm phù hợp”, ông Hải nói.
Trước ý kiến về những bất cập của Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG), lãnh đạo Bộ Công thương cho biết: “Từ đầu năm chúng ta có 8 kỳ liên tục trích, 5 kỳ sau đó liên tục chi do giá xăng dầu thế giới tăng cao. Ở VN nếu giá xăng tăng tất cả các mặt hàng khác đều tăng, nhưng nếu giá xăng giảm thì các mặt hàng không giảm. Chính phủ, các bộ ngành đang phải cố gắng giải quyết vấn đề, đặc biệt là giá cước vận tải”.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Quỹ BOG là công cụ "giảm chấn" trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng sốc hoặc giảm mạnh, nhằm điều hòa giá xăng dầu trong nước. Quyền lợi DN và người tiêu dùng vẫn được đảm bảo, quỹ này không cho ngân sách hay bất kỳ ai mà chỉ phục vụ điều hành giá xăng dầu trên tổng thể nền kinh tế, người tiêu dùng và DN.
“Bộ Tài chính đang dự thảo luật Giá, đưa ra một số phương án khác nhau như có tiếp tục giữ Quỹ bình ổn giá hay không. Mong chuyên gia, người tiêu dùng, DN đóng góp ý kiến của từng phương án khác nhau. Bộ sẽ tiếp thu, điều chỉnh và báo cáo các cấp có thẩm quyền”, ông Chi nói.
Liên quan đến tín dụng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết từ năm 2021 đến nay, lãi suất đáng lẽ sẽ tăng rất cao nhưng vẫn duy trì ổn định mức lãi suất điều hành, không thay đổi. So với các nước xung quanh, VN đang giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hợp lý, rẻ hơn so với đi vay của các nước khác.
“Để góp phần thực hiện nhiệm vụ đặt ra từ đầu năm nay là duy trì lạm phát dưới 4%; tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5%, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, tùy điều kiện thực tế. Hiện tỷ lệ tăng trưởng tín dụng là 9,91% là rất cao, hơn nhiều cùng kỳ năm ngoái. Về cơ bản, đã sử dụng hết hạn mức mà đầu năm đã giao cho các ngân hàng. Phần còn lại, sẽ được giao tiếp cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong vài ngày tới, nhất là các ngân hàng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh”, ông Tú nói.
Không thu hồi sổ hộ khẩu đồng loạt
Trả lời câu hỏi về việc thu hồi sổ hộ khẩu, người phát ngôn Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết theo luật Cư trú 2020, từ 1.7.2021 Bộ Công an không cấp sổ hộ khẩu mới và không cấp lại sổ hộ khẩu. Những sổ hộ khẩu cũ vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết 31.12.2022. Bộ Công an không có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu đồng loạt, mà chỉ thu hồi sổ hộ khẩu khi công dân có nhu cầu cập nhật, điều chỉnh lại nơi cư trú, nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia.
“Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã rà soát, chấn chỉnh lại các trường hợp thu hồi không đúng quy định, gây phiền hà cho người dân. Đồng thời có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương để triển khai luật Cư trú, trong đó có sử dụng thông tin công dân thay cho sổ hộ khẩu để thực hiện các thủ tục giấy tờ đất đai”, ông Xô nói.
Để thay thế cho việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú khi gặp các vướng mắc trong trường hợp bị thu hồi sổ hoặc không được cấp mới.
Đã đưa về nước 600 công dân từ Campuchia
Liên quan đến việc bảo hộ công dân VN bị đưa bất hợp pháp sang Campuchia, Trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện tại Campuchia quan tâm tới việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các công dân VN được đưa sang Campuchia làm việc bất hợp pháp. Bộ Ngoại giao đã phối hợp các cơ quan, địa phương giáp biên cũng như phía Campuchia, lập nhóm chuyên trách để bảo hộ công dân, đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin yêu cầu hỗ trợ. Hiện chưa có con số chính thức về có bao nhiêu công dân bị buôn bán, lừa đảo bất hợp pháp sang Campuchia. Tuy nhiên, tới nay, lực lượng chức năng đã cứu thoát và đưa về nước an toàn 600 công dân VN.
Nguồn tin: Thanh niên Online
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn