Chia sẻ nguyên nhân dẫn đến xe dù, bến cóc, xe trá hình tuyến cố định, xe ghép, xe tiện chuyến di chuyển các địa bàn, Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ, Bộ GTVT cho rằng, do các phương tiện tuyến cố định không đáp ứng được nhu cầu đi lại nên người dân chuyển sang các loại phương tiện khác. Bên cạnh đó, chính cách tổ chức bến xe chưa hợp lý dẫn đến cơ hội cho những đơn vị hoặc cá nhân tạo ra bến cóc, xe dù hoạt động nhiều hơn.
"Theo thống kê của chúng tôi, xe tuyến cố định chỉ có 18.344 xe nhưng xe hợp đồng là 222.783 xe, gấp 12 lần so với xe cố định thì rõ ràng là khi tuyến cố định không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì người ta phải chuyển sang phương thức khác hoặc là xe bus hoặc là xe hợp đồng. Chính cách tổ chức bến xe chưa hợp lý dẫn đến cơ hội cho những đơn vị hoặc cá nhân tạo ra bến cóc, xe dù hoạt động nhiều hơn. Thêm nữa, bản thân người dân nhiều người vẫn giữ thói quen tiện đâu đi đó trong khi chúng ta đang cố gắng điều chỉnh các vị trí đón trả khách trong thành phố phải tập trung nên bắt buộc người dân chỉ đến vị trí đó mới được đi xe công cộng. Hiện nay, tôi cũng đề nghị các thành phố tổ chức các điểm đón trả khách trong đô thị rất quan trọng, sẽ tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi nếu chúng ta có kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng".
Bổ sung ý kiến của bà Hiền, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH cho biết, sự tồn tại của xe dù, bến cóc có một phần nguyên nhân quan trọng do sự thiếu trách nhiệm, thậm chí là 'bảo kê' cho sai phạm của lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương. Bởi, nếu không được bao che thì xe dù, bến cóc không thể nào tồn tại trong một thời gian dài được.
"Loại bảo kê thứ nhất là bảo kê mang tính quyền lực, tức là bảo kê của các cơ quan công quyền, của những lực lượng chức năng, thậm chí của một số cá nhân cán bộ thoái hóa biến chất. Gần đây nhất chúng ta biết báo chí đưa tin một đại úy công an tại TPHCM, cũng bình thường thôi, một cấp rất nhỏ trong lực lượng, mà sẵn sàng lập ra đến 47 công ty nhập khẩu, trốn thuế. Chúng ta thấy chỉ một cán bộ thôi mà có thể đứng ra làm những chuyện đó.
Bảo kê thứ hai là bảo kê ngoại biên, dựa vào sức mạnh và câu chuyện xã hội. Đó chính là các băng nhóm xã hội đen. Câu chuyện này không thể không có và chúng ta biết một nhóm có thể thành lập ra bãi đỗ, bến đỗ và tự thu tiền. Ở Hà Nội đã xảy ra rất nhiều. Nhiều người dân trả tiền xe rất ít nhưng đến bến đỗ, bãi đỗ của chúng là phải trả thêm nhiều, có khi hàng trăm nghìn. Có cả hai vấn đề đó, và nếu tính cả 2 loại bảo kê đó thì đều phải xem xét trên bình diện pháp luật".
Trả lời vấn đề về hiện tượng bảo kê các xe dù, bến cóc hoạt động, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh nhấn mạnh, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh xử lý các đối tượng có biểu hiện hoạt động "cò mồi", "bảo kê", tụ tập thành các nhóm đe dọa, xúc phạm, hành hung hành khách, lái xe, phụ xe khách để tranh giành khách và gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực.
Theo các chuyên gia, song song với công tác tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, vẫn cần thêm một "liều thuốc" đủ mạnh, gắn trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng đối với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng "xe dù, bến cóc" hoạt động trên địa bàn. Làm được như vậy, nếu có tiêu cực sẽ bị đẩy lùi, còn vấn nạn xe dù, bến cóc sẽ vào quy củ.
Châu Nga sưu tầm (Nguồn Cổng TTĐT Chính phủ)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn